HIỂU VỀ TÍNH ÍCH KỶ CỦA TRẺ
Có không ít người than rằng, “Bé nhà em không muốn cho ai cái gì hết, chỉ biết giữ cho mình, làm sao để con bớt ích kỷ, biết quan tâm người khác hơn?”.
Các bậc phụ huynh thân mến, tính ích kỷ được hiểu là chăm lo lợi ích cho bản thân, ít quan tâm, chia sẻ với người khác. Việc chăm lo lợi ích cho bản thân mình là bản năng của mỗi người và con trẻ cũng thế. Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi lên 2, lên 3 bắt đầu khẳng định cái tôi, muốn sở hữu mọi thứ.
Như vậy, trẻ có những biểu hiện như hay ganh tỵ, thích sở hữu, ít chia sẻ với ai điều gì cũng là biểu hiện thường thấy trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, để bé vừa biết cách yêu thương, trân trọng bản thân đúng mực; cũng như vừa biết chia sẻ, quan tâm người khác, hình thành nét tính cách bao dung, nhân ái cha mẹ cần nuôi dạy con đúng cách. Cách giáo dục của cha mẹ sẽ quyết định con trở thành người như thế nào trong tương lai.
Làm gương cho con
Con trẻ học rất nhanh từ những lời nói và hành động của cha mẹ hằng ngày. Vì vậy, cha mẹ cần làm gương tốt cho con nhé. Thường xuyên để con thấy những hành động thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với người khác sẽ giúp trẻ xây dựng nền tảng cho việc hình thành đức tính tốt đẹp này.
Đảm bảo sự công bằng trong gia đình
Bạn biết không, cách cư xử thiếu công bằng của cha mẹ có thể tạo ra những nét tính cách hay so sánh, hẹp hòi, ích kỷ, hay đòi hỏi, chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân ở trẻ. Để con biết sẻ chia, bạn cần luôn đảm bảo sự công bằng trong gia đình. Chẳng hạn, khi các con cùng tranh giành một món đồ chơi, cha mẹ cần phân xử công minh chứ không nên bắt trẻ lớn hơn phải nhường bé nhỏ hoặc ngược lại; có món ngon cần chia đều cho mọi người.
Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện
Thỉnh thoảng, cha mẹ nên đưa con đi đến những trại trẻ mồ côi để thăm và tặng những món đồ nho nhỏ cho các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn; hay khuyến khích con để tiền vào thùng từ thiện ở nơi công cộng. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ hiểu hơn và hình thành tính biết yêu thương, sẻ chia khi lớn lên.
Đừng phạt khi bé “keo kiệt”
Khi bé không chịu chia sẻ đồ với người khác, bạn không nên ép hay phạt con. Làm như vậy chỉ làm bé phẫn nộ hơn mà thôi. Điều cha mẹ nên làm là tôn trọng con. Dạy con về tôn trọng quyền riêng tư, quyền sở hữu của người khác: không tự ý lấy đồ của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ, không nên đòi đồ của người khác. Dạy con về phép lịch sự khi sử dụng đồ công cộng: cần xếp hàng chờ đến lượt. Bên cạnh đó, thường xuyên trò chuyện cùng con về sự chia sẻ, giải thích cho bé hiểu sẻ chia là gì, vì sao chúng ta nên sẻ chia. Cha mẹ có thể đặt ra những tình huống để bé hiểu hơn cảm giác của bạn mình cũng như cảm giác của bé khi không được bạn cho mượn đồ chơi. Và khi chia sẻ cho người khác, người được nhận và cả con sẽ vui và hạnh phúc như thế nào.
Cha mẹ có thể thường xuyên cùng con thực hành sẻ chia, chẳng hạn như “Mẹ và con cùng ăn cái bánh này nhé, mẹ một nửa, con một nửa”, cho con tham gia chơi cùng bạn bè, khuyến khích con chia sẻ cùng các bạn. Khi trẻ đã có sự nới lỏng sự sở hữu của mình, bạn hãy dành cho trẻ nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý dạy con về tính tự tôn bản thân, quyền cá nhân của trẻ một cách đúng mực; biết chia sẻ, quan tâm tới người khác không có nghĩa là cả nể, dễ bị dụ dỗ.
Dạy con biết sẻ chia là điều cần thiết.
Và việc này không phải trong một sớm một chiều mà cần một quá trình, vì vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn cùng con nhé! Bé sẽ hiểu chuyện, chín chắn và biết sẻ chia, yêu thương sớm thôi!